Thứ Năm, 27 tháng 1, 2011

PHÊNIÊN MẶT ĐỐI MẶT VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI



PHÊNIÊN MẶT ĐỐI MẶT VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Sáng thế ký 32.22-31

Một sinh viên năm thứ nhất ở Đại học Đường Eagle Rock đã đoạt giải thưởng hạng nhất tại Hội Khoa Học Idaho Falls, ngày 26 tháng Tư năm 1997. Theo dự án của anh, anh thúc giục người ta ký vào tờ đơn yêu cầu được kiểm tra kỹ lưỡng hay khử hoàn toàn hoá chất “dihydrogan monoxide”. Và vì nhiều lý do đúng đắn:
Đó là thành phần chính trong cơn mưa acid
Nó góp phần bào mòn mặt đất tự nhiên
Nó làm cho sự bào mòn tăng nhanh và làm rỉ nhiều thứ kim loại
Nó có thể gây cho thắng xe hơi không ăn
Nó gây ra việc đổ mồ hôi, nôn oẹ, và đi tiểu nhiều
Nó có thể gây ra những vết bỏng dù là ở trạng thái gas
Nó có thể giết chết bạn nếu tình cờ hít phải
Có thể gặp nó trong các khối u của bệnh nhân ở vào thời kỳ cuối cùng
Anh ta đã tham khảo với 50 người để tìm hiểu xem họ có chịu ủng hộ việc cấm đoán sử dụng hoá chất hay không!?! Bốn mươi ba người đồng ý, sáu người không có ý kiến, và chỉ có một người biết rõ hoá chất ấy chính là H2O (nước). Tên đề án đoạt giải thưởng của anh ta là “Chúng ta cả tin là thể nào?”. Anh ta cảm thấy phần kết luận là rất rõ ràng.
Cả tin: nghĩa là bị gạt hay bị bịp cách dễ dàng.
Khi việc nầy xảy ra trong mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời … có phải chúng ta cả tin đủ để tin tưởng rằng chúng ta có thể sống đời sống Cơ đốc mà chẳng có chút thì giờ để dành ra với Đức Chúa Trời hay không!?!
Một người bạn Mục sư đã chia sẻ với tôi có tới 95% người khi được hỏi họ có dành thì giờ nhất định (thì giờ tĩnh nguyện) với Đức Chúa Trời hay không!?! … họ nói không.
Lúc nào cuộc hôn nhân của quý vị kết thúc bằng những việc giống như thế? Bạn làm cha hay làm mẹ có tốt đủ với con số như thế không? Có phải bạn là một sinh viên tốt đủ với tỉ lệ phần trăm đó hay chăng? Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời có tốt đủ không một khi chúng ta dành ít thì giờ với Cha chúng ta ở trên trời!?!
Về mặt biếm nhẽ … hãy ngợi khen Đức Chúa Trời vì có 5 người dành thì giờ nhất định với Đức Chúa Trời … cho những người trong chúng ta từng dành một thì giờ “sao cũng được” với Đức Chúa Trời!
Làm ơn biết rõ dùm tấm lòng của tôi hôm nay … đây không phải là một bài giảng về “tội lỗi” để rồi quý vị ra về với cảm giác giống như bị thất bại hoàn toàn. Không, tôi dự tính khích lệ quý vị và bản thân tôi trong vài sứ điệp hầu đến mong làm phát triển được một “thì giờ với Đức Chúa Trời” và hay thêm thắt vào “thì giờ của Đức Chúa Trời” của quý vị.
Có thể quý vị suy nghĩ … “Tôi đang làm hết sức mình đây”. Nhưng suy nghĩ chúng ta đang làm gì mà không có, do không gặp gỡ với Đức Chúa Trời, sẽ không thấy được khích lệ đủ lâu.
Ngày hôm nay tôi muốn chúng ta nhìn vào đời sống của một nhân vật trong Cựu Ước: ấy là Giacốp. Truyện tích nói về đời sống của ông rất thích thú trong nhiều phương diện.
Tên của ông có nghĩa là: “kẻ nắm gót”, kẻ chiếm vị … một người mưu mẹo, lừa đảo, dối gạt.
Sáng thế ký 25.26: “Kế em nó lại ra sau, tay nắm lấy gót Ê-sau; nên đặt tên là Gia-cốp”.
Tammy Garrison viết trong quyển: “Vật lộn với Đức Chúa Trời” rằng Giacốp: “ra đời đã nắm lấy gót anh mình, và đã chiếm đoạt mọi thứ sau đó”.
Đã lừa đảo anh mình là Êsau để lấy quyền trưởng nam
Gạt cha mình là Ysác để ông tin mình là Êsau đặng cướp lấy quyền trưởng nam
Gạt cha vợ mình để gầy dựng bầy gia súc riêng (Sáng thế ký 30.40-43; 42.1-2).
Trong Sáng thế ký 32.22-31 chúng ta thấy Giacốp … sửa soạn gặp anh mình là Êsau. Ông lấy làm sợ hãi và cầu nguyện với Đức Chúa Trời xin giải cứu (Sáng thế ký 32.11). Giacốp kế đó sửa soạn các thứ quà tặng … để cầu hoà mà dâng cho anh mình.
Có lẽ Giacốp không biết … đã sửa soạn thật nhiều để gặp gỡ một con người, chớ không phải với Đức Chúa Trời. Đó có thể là cuộc gặp gỡ sẽ làm cho ông phải thay đổi cho đến đời đời. Giacốp đã gọi chỗ nầy là: “Phêniên” … mặt đối mặt với Đức Chúa Trời.
Há chúng ta không cần cuộc gặp gỡ ấy hay sao? Một cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với Đức Chúa Trời làm cho chúng ta thay đổi trở thành người tốt hơn chăng?
Tôi tin có nhiều lý do rất hay cần phải tìm kiếm trong câu chuyện đời sống của Giacốp thay đổi … tại sao và bằng cách nào quý vị và tôi cần phải có thì giờ đều đặn với Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy xét chúng xem rồi hãy áp dụng chúng.
Đọc: Sáng thế ký 32.22-31
1. Sửa soạn đến Phêniên … ở riêng với Đức Chúa Trời
Sợ có việc không hay sẽ xảy ra, Gia cốp di chuyển gia đình mình cùng các tôi tớ qua rạch Giabốc để giữ an toàn.
Sáng thế ký 32.22.24a: “Ban đêm, người thức dậy, dẫn hai vợ, hai tên đòi và mười một đứa con mình đi qua rạch Gia-bốc. Người đem họ qua rạch, và hết thảy của cải mình qua nữa. Vả, một mình Gia-cốp ở lại”.
Giacốp đã ở lại “một mình”
“Một mình” … Giacốp đã tự biệt mình riêng ra, đặt một khoảng cách giữa bản thân ông và những người ở quanh ông.
Ở lại với Đức Chúa Trời … cung ứng sự an ninh giữ gìn cho bản thân và cho gia đình quý vị
Nếu chúng ta muốn trở thành người chồng, vợ, cha, mẹ, con, anh, chị… tốt hơn … hãy ở riêng với Đức Chúa Trời trên một cơ sở nhất định.
Giacốp ở lại một mình mở đường cho Đức Chúa Trời bước vào
Trong thì giờ với Đức Chúa Trời của bản thân tôi, tôi đã khởi sự dùng một quyển sách có đề tựa là: “Những kỹ luật cho đời sống nội tâm” (do Bob Benson Sr. & Michael W. Benson viết). Quyển sách nầy cung ứng cho tôi “cấu trúc” cho thì giờ với Đức Chúa Trời … là thì giờ mà tôi rất cần. Trong quyển sách các tác giả viết …
“chúng ta cần phải tạo ra một nổ lực thật chu đáo không còn sự hời hợt nữa để bước vào sự hiểu biết Đức Chúa Trời sâu sắc hơn. Khởi sự cho một nổ lực như vậy phải là phần xây dựng một khuôn mẫu trong đời sống chúng ta, trong đó tiếng phán của Đức Chúa Trời phải gần gũi với chúng ta” (lời tựa, viiii).
Nếu Đức Chúa Trời tiếp cận với đời sống chúng ta, chúng ta cần phải tạo ra một nổ lực nhất định để ở riêng với Đức Chúa Trời.
Thi Thiên 46.10: “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời; Ta sẽ được tôn cao trong các nước, cũng sẽ được tôn cao trên đất”.
Hãy dọn dẹp một chỗ cho Đức Chúa Trời đến gặp gỡ quý vị và quý vị đến gặp Đức Chúa Trời
Dẹp mọi thứ qua một bên và hãy ở riêng với Đức Chúa Trời có giá trị rất lớn, như chúng ta đã thấy trong đời sống của Chúa Jêsus.
Mathiơ 14.23: “Xong rồi, Ngài lên núi để cầu nguyện riêng; đến chiều tối, Ngài ở đó một mình”. Chúa Jêsus đã dành thì giờ để ở Đức Chúa Cha, vì Ngài đánh giá cao hay xem trọng thì giờ với Đức Chúa Cha. Chúng ta cũng phải đánh giá cao và tìm thì giờ để ở riêng với Đức Chúa Trời.
Samuel, con trai út của tôi, nói với tôi lần kia khi nó và tôi đang trên đường đến Wal-Mart để mua vài thứ cho môn bóng chày: … “Bố ơi, có lúc con chỉ thích chỉ có mặt con và Bố thôi. Bố biết việc của cha con”. Tôi không nghĩ lời ấy được thốt ra từ một đứa trẻ mới 9 tuổi.
Muốn ở riêng với Đức Chúa Trời, chúng ta phải dọn mình
Về thuộc thể: phải có một nơi … để gặp gỡ Đức Chúa Trời
Về tình cảm: phải có một tư thế … để gặp gỡ Đức Chúa Trời
Về mặt thuộc linh: phải có một chỗ … để gặp gỡ Đức Chúa Trời
Thi Thiên 62.5: “Hỡi linh hồn ta, hãy nghỉ an nơi Đức Chúa Trời; Vì sự trông cậy ta ở nơi Ngài”.
2. Thắng thế tại Phêniên … ở riêng với Đức Chúa Trời
Sáng thế ký 32.24-26: “Vả, một mình Gia-cốp ở lại; thì có một người vật lộn với mình đến rạng đông. Khi người đó thấy mình không thắng nổi, bèn đánh vào xương hông Gia-cốp; xương hông liền trặt trong khi vật lộn. Người đó bèn nói: Trời đã rạng đông rồi; thôi để cho ta đi; nhưng Gia-cốp đáp rằng: Tôi chẳng cho người đi đâu, nếu người không ban phước cho tôi”.
Giacốp ở một mình được Đức Chúa Trời tiếp cận
Tôi thích như thế lắm … thật an ủi cho tôi khi biết được Đức Chúa Trời đang ở gần.
Sự việc đó cho tôi biết Đức Chúa Trời là Đấng …
Muốn dành thì giờ với tôi
Trông mong có thì giờ với tôi
Sẽ dành thì giờ với tôi
Thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời của Giacốp mau trở thành … vật lộn với Đức Chúa Trời!
Một trong những lời khẩn cầu trong thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời tuần nầy của tôi là: “Xin tẩy sạch đời sống con không còn những tiêu cực gây hại cho đức tin, và xin làm đầy dẫy đời sống con với sự thanh sạch và chân thật gây khích lệ cho nó. Xin thanh tẩy hết mọi điều ác khiến cho con phải vô tín ra khỏi con …”.
Tôi chia sẻ điều nầy với một người bạn, và người ấy nói: “Đấy là điều chúng ta cần đó!”.
Đức Chúa Trời khi Ngài đưa chúng ta ở riêng, Ngài muốn xử lý với những nông cạn, hời hợt và kiến thiết điều chi siêu nhiên.
Thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta có cơ hội ở bên cạnh Đức Chúa Trời và vật lộn với những nan đề khó khăn trong đời sống chúng ta.
Giacốp chắc đã vật lộn với Đấng đang nắm quyền tể trị đời sống ông
Ông là một trong những người luôn luôn đưa ra quyết định và quyền điều khiển cho bản thân mình. Nhưng giờ đây cuộc vật lộn phát sinh từ nhân vật nắm quyền tể trị … Giacốp hay ông sẽ giao quyền đó cho Đức Chúa Trời?
Giacốp đã vật lộn với sự thay đổi bổn tánh mà ông có cần
Giacốp được Đức Chúa Trời đại dụng, song trong quá trình thay đổi bản chất. Ông phải trở thành người của Đức Chúa Trời.
Bất cứ lúc nào chúng ta vật lộn bên cạnh Đức Chúa Trời, chúng ta được biến đổi. Sự thay đổi về thuộc thể của Giacốp … sườn ông bị đánh … nhắc nhớ về sự thay đổi mà chúng ta đang cần có trong sự “ăn ở” của chúng ta với Đức Chúa Trời.
Giacốp đã cố lì trong cuộc vật lộn cho tới chừng ông đắc thắng!
Chúng ta cần phải hiểu rằng cuộc đấu vật nầy với Đức Chúa Trời là cuộc đấu vật mà Đức Chúa Trời đưa ra phần hạn định. Đức Chúa Trời có thể ghì chặt Giacốp và thắng cuộc đấu bất cứ giờ phút nào.
Một minh hoạ ở một cấp độ thấp hơn … trong môn quần vợt tôi có thể đánh bại Samuel (con trai 9 tuổi) bất cứ giây phút nào. Tôi có thể chơi ở thể thức đó mà con tôi không bao giờ thắng được. Tuy nhiên, tôi thích để cho nó thắng hơn, và khi thắng hơn không những nó có được kinh nghiệm thi đấu, mà còn vững lòng tin để chơi nữa.
Đức Chúa Trời đang chọn ở vào thế bị động để cho Giacốp có thể thắng hơn. Tôi tin Đức Chúa Trời muốn Giacốp phải hạ Ngài cho kỳ được … không phải ở chỗ thắng hơn Đức Chúa Trời … mà là thắng trong Đức Chúa Trời. Tôi tin Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải vật lộn và tranh đấu với mọi nan đề trong đời sống chúng ta khi chúng ta đánh hạ Ngài xuống để có được sức lực trong cuộc sống.
“Đức Chúa Trời gặp gỡ chúng ta ở cấp độ của chính chúng ta và trong nhân tính của chúng ta” – Tammy Garrison.
Tôi tin Đức Chúa Trời chịu đấu vật với chúng ta. Ngài không bị mọi nan đề chúng ta gặp phải thắng hơn đâu, chúng ta phải đem chúng theo khi ở riêng với Đức Chúa Trời.
Giacốp cứ bám thật chặt khi đấu vật với Đức Chúa Trời … ông không để cho Ngài đi! Có bao nhiêu nan đề đã thắng hơn chúng ta vì chúng ta đã để cho Đức Chúa Trời ra đi quá sớm như vậy chứ?
Có phước hạnh trong cuộc đấu vật
Dù có thể nói sáo như vầy … “Đức Chúa Trời lớn lao hơn nan đề nào chúng ta gặp”. Chúng ta thấy câu nầy rất thực khi chúng ta ở riêng và ở bên cạnh Đức Chúa Trời.
Chính ở đó mà Đức Chúa Trời cho phép chúng ta thắng hơn mọi điều đang cản đường tiến trong đời sống chúng ta.
Trong thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời của quý vị … ở một mình và bên cạnh Đức Chúa Trời.
3. Bảo toàn tại Phêniên … ở riêng với Đức Chúa Trời
Sáng thế ký 32.27-31: “Người đó hỏi: Tên ngươi là chi? Đáp rằng: Tên tôi là Gia-cốp. Người lại nói: Tên ngươi sẽ chẳng làm Gia-cốp nữa, nhưng tên là Y-sơ-ra-ên, vì ngươi đã có vật lộn cùng Đức Chúa Trời và người ta; ngươi đều được thắng. Gia-cốp hỏi: Xin cho tôi biết tên người. Đáp rằng: Làm sao ngươi hỏi tên ta? Rồi người nầy ban phước cho Gia-cốp tại đó. Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê-ni-ên, và nói rằng: Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu. Khi qua nơi Phê-ni-ên, thấy mặt trời mọc rồi; và người đi giẹo cẳng”.
Trong sự sửa soạn và thắng hơn của Giacốp … có mục đích bảo toàn.
Giacốp không còn chạy trốn con người nữa (Êsau, Ysác, Laban) hay Đức Chúa Trời … giờ đây ông mặt đối mặt và được thay đổi cho đến đời đời … một điểm bảo toàn.
Đức Chúa Trời biết rõ danh tánh của quý vị
Đức Chúa Trời khi hỏi danh tánh của Gia cốp, là để cho Gia cốp tự hỏi lại mình.
Giacốp có biết ông là ai không?
Chúng ta có biết mình là ai trong Đức Chúa Trời hay không?
Êsai 43.1: “Bây giờ, hỡi Gia-cốp! Đức Giê-hô-va là Đấng đã dựng nên ngươi, hỡi Y-sơ-ra-ên! Ngài là Đấng đã tạo thành ngươi, phán như vầy: Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta”.
Đức Chúa Trời để cho quý vị nhìn biết Ngài.
Giacốp muốn hỏi cho biết ông đang đấu vật với ai, cho thấy nhu cần của chúng ta phải nhìn biết Ngài. Đức Chúa Trời biết rõ chúng ta và Ngài muốn chúng ta phải nhìn biết Ngài … vì lẽ đó Ngài sẽ tìm một địa điểm và một phương thức để gặp gỡ chúng ta hầu chúc phước cho chúng ta bằng cách làm cho người ta nhìn biết Ngài.
Sáng thế ký 32.30: “Gia-cốp đặt tên chỗ đó là Phê-ni-ên, và nói rằng: Tôi đã thấy Đức Chúa Trời đối mặt cùng tôi và linh hồn tôi được giải cứu”.
Há đấy không phải là nơi chúng ta cần phải gặp gỡ Đức Chúa Trời … Phêniên … nơi ấy chúng ta mặt đối mặt với Đức Chúa Trời.
Có một chỗ nhóm lại gần gũi phía sau cánh cửa, ở đó Chúa Jêsus nài mời và khích lệ chúng ta tìm kiếm.
Mathiơ 6.6: “Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi”.
Thomas a’ Kempis nói: “Bạn càng thăm viếng nó chừng nào, bạn càng muốn trở lại căn phòng ấy chừng nấy”.
Ở một mình, bên cạnh và cùng với Đức Chúa Trời, là nơi chúng ta muốn trở lại hoài hoài.
Kết luận:
Các ứng dụng thực tế:
Dành thì giờ để gặp gỡ Đức Chúa Trời … hy sinh 30 phút
Kinh Thánh, Địa điểm, Thời gian
Quaker nói: “Hãy bắt đầu nho nhỏ và khởi sự ngay tức thì”
Hãy khởi sự ngay hôm nay … hãy để cho mọi tư tưởng Ngài vây lấy quý vị trước khi người khác vây lấy. Thi Thiên 63.1: “Hỡi Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời tôi, vừa sáng tôi tìm cầu Chúa”.
Hãy ổn định thì giờ của quý vị
Thi Thiên 119.147-148: “Tôi thức trước rạng đông và kêu cầu; Tôi trông cậy nơi lời Chúa. Canh đêm chưa khuya, mắt tôi mở tỉnh ra, Đặng suy gẫm lời Chúa”.
Giống như những việc khác chúng ta bắt tay làm … chúng ta muốn biết chúng ta sẽ nhận được điều chi. Câu trả lời hay nhất là …
Giăng 1.39: “Ngài phán rằng: Hãy đến xem”. Họ đã đến và nhìn thấy nơi Ngài trú ngụ, rồi ở lại với Ngài trong ngày đó.
Đừng cả tin khi tin tưởng rằng quý vị có thể ra đi mà chẳng cần gặp Đức Chúa Trời. Hãy sửasoạn, đắc thắng, và được bảo toàn trong thì giờ quý vị ở riêng với Đức Chúa Trời.
Amen!
Bài giảng do Mục sư Robert Aubuchon giảng tại Hội thánh Trinity Baptist trong năm 2002.

PHƯƠNG THỨC DUY NHẤT

PHƯƠNG THỨC DUY NHẤT
Billy Graham
Tại sao Cơ đốc giáo khác biệt với từng tôn giáo khác trên thế giới như vậy chứ?
Câu trả lời không tựu trung vào một chương trình cho cuộc sống, mà tựu trung vào Thân Vị của Đức Chúa Jêsus Christ: Chúa Jêsus, Đức Chúa Con, và là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Đức Chúa Trời.
Ngày nay có nhiều người xưng nhận thật là khác nhau. Có người cho rằng Chúa Jêsus là tạo vật thiêng liêng đầu tiên, và không phải là Đức Chúa Trời vĩnh hằng. Nhưng chúng ta dạn dĩ nói chắc như sứ đồ Phierơ: “Ngài là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống” (Mathiơ 16.16).
Tước hiệu “Đấng Christ” có nghĩa là “Đấng Chịu Xức Dầu”. Theo từ ngữ Hy lạp, nó có ý nghĩa của từ ngữ Hy bá lai “Đấng Mêsi” – “Đấng Chịu Xức Dầu” mà Đức Chúa Trời đã sai đến để giải cứu dân sự Ngài. Phierơ và các tín hữu của Hội thánh Cơ đốc đầu tiên đều công nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi đã được hứa cho trong Cựu Ước. Phần lịch sử thế giới của họ là một sự thất vọng và rất chán chường. Đấng Mêsi được hứa cho đã chiếu sáng như một ngọn hải đăng trong bóng tối tăm, và sự sáng của Ngài không hề mờ tối: “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người… Sự sáng nầy là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người” (Giăng 1.4, 9).
Ngày nay, khi các nhà lãnh đạo thế giới đang vật vã tranh đấu với nhiều vấn nạn chồng chất, tình trạng tối tăm và đầy đe doạ nầy làm nổi bật sự sáng láng của Đấng từng tuyên bố: “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8.12).
Ngài là “Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi” (Giăng 1.29).
Trong chức vụ truyền giáo của tôi, tôi chưa hề cảm thấy có nhu cần phải “sửa Chúa Jêsus lại cho thích hợp” với nhiều người và nhiều quốc tịch, văn hoá, sắc tộc hay chủng tộc khác nhau mà tôi từng giảng đạo cho họ. Tôi ra sức dùng những minh hoạ hay nhấn mạnh các lẽ thật nào giúp cho khán thính giả hiểu rõ được Tin Lành hơn theo ánh sáng văn hoá vốn có của họ.
Nhưng các lẽ thật quan trọng của Tin Lành không hề thay đổi. Các sự kiện như: ra đời bởi nữ đồng trinh, đời sống không tội lỗi, sự chết có tính cách hy sinh và thay thế, sự sống lại và sự thăng thiên ngồi bên hữu Đức Chúa Cha, và niềm hy vọng vinh hiển về sự Tái lâm của Ngài không hề phai nhạt hay bị bóp méo theo chiều kích nào khác được.
Chúa Jêsus là Đấng Christ duy nhất; Ngài cũng là: “Đức Chúa Trời, Chúa và Cứu Chúa của chúng ta”. Đây là chân lý: chính Đức Chúa Trời đã giáng xuống trong Thân Vị của Con độc sanh của Ngài. Sự hoá thân thành xác thịt và thần tính trọn vẹn của Chúa Jêsus là những hòn đá góc của đức tin Cơ đốc.
Lẽ thật quan trọng nầy đã được nhấn mạnh xuyên suốt Tân Ước. Giăng bắt đầu sách Tin Lành của ông: “Ban đầu có Ngôi Lời…” (Giăng 1.1). Chữ “Ngôi Lời” trong tiếng Hy lạp, được dịch là “đạo”, người Hy bá lai và người Hy lạp đều hiểu như vậy. Giăng nói tiếp: “Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời… Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật” (Giăng 1.1, 14).
Đấng Christ hiện hữu từ đời đời cho đến đời đời, vì Ngài chính là Đức Chúa Trời trọn vẹn. Kinh Thánh chép: “Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài… Vì chưng Đức Chúa Trời đã vui lòng khiến mọi sự đầy dẫy của mình chứa trong Ngài” (Côlôse 1.15-16, 19). Mathiơ thuật lại cho chúng ta biết sự giáng sinh của Chúa Jêsus và ông nói: “Mọi việc đã xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” (Mathiơ 1.22-23).
Chính Chúa Jêsus thường làm chứng về bổn tánh thiêng liêng của Ngài. Ngài tuyên bố: “trước khi chưa có Ápraham, đã có ta” (Giăng 8.58). Chúa Jêsus phán: “Ta với Cha là một” (Giăng 10.30). Hơn thế nữa, Chúa Jêsus đã tỏ ra quyền phép làm ra mọi việc mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có quyền làm. Bản án nghịch lại Ngài khi bị thử thách, đó là: “vì hắn tự xưng là Con Đức Chúa Trời” (Giăng 19.7); và khi người ta hỏi có phải Ngài là Con Đức Chúa Trời hay không!?! Ngài đáp: “Chính các ngươi nói ta là Con Ngài” (Luca 22.70).
Ngài đã đưa ra minh chứng nào cho thấy Ngài chính là Đức Chúa Trời trong thân thể con người?
Thứ nhất, có minh chứng về đời sống trọn vẹn của Ngài. Ngài đã hỏi: “Trong các ngươi có ai bắt ta thú tội được chăng?” (Giăng 8.46) – và chẳng có ai dám trả lời vì đời sống Ngài là trọn lành. Ngài sống không tì vít chi hết, Ngài: “bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hêbơrơ 4.15).
Thứ hai, có bằng chứng nơi quyền phép của Ngài. Quyền phép của Ngài là quyền phép của Đức Chúa Trời Toàn Năng. Ngài có quyền quở bão trên biển Galilê phải yên lặng (Mathiơ 8.23-27; Mác 4.35-41; Luca 8.22-25). Ngài đã làm cho kẻ chết phải sống lại, chữa lành người đau, ban ánh sáng cho người mù, và khiến kẻ què đi được (Mathiơ 8.1-3; Mác 1.40 – 2.12; Luca 7.12-15). Các phép lạ của Ngài là bằng chứng cho sự thật Ngài là Chúa của mọi loài thọ tạo: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài… Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài” (Côlôse 1.16-17).
Thứ ba, có bằng chứng về lời tiên tri được ứng nghiệm. Hàng trăm năm trước khi Ngài giáng sinh, các tiên tri của Cựu Ước đã nói trước về địa điểm, nơi Ngài giáng sinh (Michê 5.1) và kiểu cách sự chết và sự chôn của Ngài (Thi Thiên 22; Êsai 53). Còn nhiều chi tiết không thể tính được về đời sống của Ngài đã được các tiên tri loan báo trước, và trong từng trường hợp các lời tiên tri nầy đều đã ứng nghiệm.
Thứ tư, có bằng chứng về sự sống lại của Ngài từ kẻ chết. Đức Chúa Jêsus Christ: “theo thần linh của thánh đức, thì bởi sự sống lại của Ngài từ trong kẻ chết, được tỏ ra là Con Đức Chúa Trời có quyền phép, tức là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rôma 1.4). Những người sáng lập các tôn giáo phi Cơ đốc trên thế giới đều đã qua đời và đã được chôn cất. Còn Đấng Christ thì hằng sống! Sự sống lại của Ngài là một sự thật! Ngôi mộ của Ngài hoàn toàn trống không.
Thứ năm, có minh chứng về những đời sống đã được biến đổi. Chỉ có Đấng Christ, Con thiêng liêng của Đức Chúa Trời, mới có quyền phép làm thay đổi lòng người. Kinh Thánh chép: “Nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (II Côrinhtô 5.17).
Phải, Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng đã phán Ngài tự hữu hằng hữu: là chính Đức Chúa Trời trong loài xác thịt. Đây là lẽ thật quan trọng ủng hộ thực tại ơn cứu rỗi của chúng ta. Chỉ có Đấng Cứu Thế thiêng liêng mới chịu chết như một hy sinh trọn vẹn vì cớ tội lỗi của chúng ta. Chỉ có Chúa thiêng liêng mới có thể nói cho chúng ta biết chúng ta nên sinh sống như thế nào! Chỉ có Con Đức Chúa Trời hằng sống và đã thăng thiên về trời mới xứng đáng cho sự thờ phượng và phục vụ của chúng ta mà thôi!
Bởi đức tin Chúa Jêsus đã trở thành Chúa và Cứu Chúa của chúng ta. Hết thảy quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho Ngài (Mathiơ 28.18). Hệ thống thế gian gian ác nầy dù không công nhận địa vị Chủ Tể của Ngài; hệ thống ấy vẫn còn ở trong quyền lực đời đời của Satan (Êphêsô 2.2). Song người nào có Chúa Jêsus ngự vào đều có uy quyền thắng hơn ma quỷ cùng quỷ sứ nó. Sứ đồ Giăng tuyên bố: “Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian” (I Giăng 4.4).
Vì Chúa Jêsus là Đấng Cứu Thế, Ngài cứu chúng ta ra khỏi án phạt của tội lỗi (Mathiơ 1.21). vì Chúa Jêsus là Chúa, Ngài ban cho chúng ta quyền phép thắng hơn tội lỗi khi mỗi ngày chúng ta cùng đồng đi với Ngài (Hêbơrơ 7.25). Và một ngày kia Ngài sẽ cất chúng ta đi với Ngài. Chỉ vì Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời và chỉ khi nào chúng ta xưng Ngài là Chúa và Cứu Chúa, Ngài ban cho, và chúng ta nhận lãnh, sự bảo đảm và hy vọng phước hạnh nầy (Rôma 10.9).
Làm sao chúng ta nhìn biết lẽ thật nói về Đức Chúa Trời? Liệu tôn giáo có phải là suy diễn theo quan điểm cá nhân của con người không? Kinh Thánh phán “Không”! Kinh Thánh cho chúng ta biết chúng ta có thể nhìn biết lẽ thật – vì Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính mình Ngài ra cho chúng ta.
Kể từ loài người sa ngã trong vườn Êđen, Đức Chúa Trời cứ tiếp tục bày tỏ chính mình Ngài qua lịch sử. Đức Chúa Trời đã chọn một người, là Ápraham, ông đã trở thành một dân lớn. Đức Chúa Trời đã giải phóng tuyển dân Ngài ra khỏi Aicập cách lạ lùng. Dưới quyền lãnh đạo của Môise dân sự đã băng qua Biển Đỏ. Đức Chúa Trời đã ban cho họ Mười Điều Răn, và Ngài đã ban cho các tiên tri Israel những lời tiên tri do Ngài cảm thúc rất đáng tin cách tuyệt đối.
Nhưng hay hơn hết mọi sự ấy, Đức Chúa Trời đã tự tỏ mình Ngài ra trong Thân Vị của Con Ngài, là Đức Chúa Jêsus Christ: “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1.18). Ngài khẳng định rằng Chúa Jêsus là Đức Chúa Con bởi các phép lạ của Ngài, và bởi sự sống lại từ kẻ chết của Ngài (Luca 42.44-48; Công vụ các sứ đồ 2.32).
Lời thành văn của Đức Chúa Trời đã được biên soạn dưới sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, là Đấng đã gìn giữ các trước giả từ việc truyền đạt mặc khải của Đức Chúa Trời trong các tác phẩm của họ hầu cho cưu mang chính xác mọi điều Đức Chúa Trời muốn họ phải ghi chép lại: “Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phierơ 1.20-21). Dù các trước giả viết Kinh Thánh là con người trải qua nhiều thế đại, Đức Chúa Trời dám bảo đảm rằng lời lẽ và tư tưởng đã được cảm thúc và ghi lại thật chính xác y như Ngài đã dự trù: “Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Timôthê 3.16-17).
Vì Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời đã được cảm thúc, Kinh Thánh không mâu thuẫn với chính mình hoặc dạy dỗ sai lạc – vì Đức Chúa Trời không thể nói dối. Chúng ta không thể hiểu hết từng chi tiết của Kinh Thánh, nhưng chúng ta phải nhớ luôn rằng đó là Lời của Đức Chúa Trời chớ không phải là ý tưởng hay quan niệm của con người.
Chúa Jêsus thường trưng dẫn kinh Cựu Ước và nói rõ ràng đấy là Lời của Đức Chúa Trời đã được Ngài cảm thúc. Chúng ta là những người nghe theo Đấng Christ phải có nhận định giống như Chúa Jêsus đã nhận định về Kinh Thánh. Lời của Đức Chúa Trời có quyền phép làm thay đổi đời sống (I Côrinhtô 2.1-5).
Đức Chúa Trời đã hứa chúc phước cho Lời của Ngài. Hết lúc nầy sang lúc khác trong chức vụ của tôi, tôi đã trưng dẫn một câu Kinh Thánh trong một bài giảng – có khi không có soạn trước – và sau đó có người đến nói với tôi chính câu Kinh Thánh ấy Đức Thánh Linh đã sử dụng khiến cho người ấy phải tin Chúa: “Lời ta há chẳng như lửa, như búa đập vỡ đá sao? Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giêrêmi 23.29).
Một đêm trăng sáng trên đồi núi California, tôi ngồi một mình cùng với quyển Kinh Thánh. Tôi đặt quyển Kinh Thánh mở ra trên một cành cây rồi cầu nguyện: “Ôi, lạy Chúa, con không hiểu hết mọi sự trong Quyển Sách nầy, nhưng bởi đức tin con tiếp nhận Quyển Sách nầy là Lời của Đức Chúa Trời hằng sống”. Từ giờ phút đó trở đi tôi chưa hề hồ nghi Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã khẳng định điều nầy với tôi, như tôi đã chứng kiến quyền phép của Lời Đức Chúa Trời đã tác động trong đời sống của nhiều người.
Sự kêu gọi và quyền phép của chúng ta đều đến từ Lời Đức Chúa Trời không hề sai lạc – là Kinh Thánh. Chính Chúa Jêsus đã được tỏ ra trong Kinh Thánh. Chúng ta tin theo Ngài; chúng ta tin cậy Ngài; chúng ta rao giảng Ngài là Cứu Chúa; chúng ta xưng nhận Ngài trước mặt nhiều người khác Ngài là Chúa chúng ta. Hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời Ngài không hề thay đổi (Hêbơrơ 3.8).
Đó là nền tảng của chân lý mà chúng ta đang rao giảng. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn vui mừng!